(DulichBinhthuan.com.vn).- Mỗi vùng miền, địa phương đều có những lễ hội truyền thống riêng, mang đậm bản sắc văn hoá của mình. Bình Thuận cũng vậy. Là vùng đất có nền văn hoá đa dạng và phong phú nên sở hữu nhiều lễ hội truyền thống độc đáo. Trong đó, thành phố Phan Thiết thường xuyên tổ chức các lễ hội, nhất là vào mùa Thu. Các lễ hội này hiện còn mang ý nghĩa phục vụ phát triển du lịch địa phương.

(Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh; Ảnh: Nguyên Vũ)
Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh
Xuất xứ từ tập quán của người Hoa Phan Thiết, Lễ hội Nghinh Ông biểu hiện rõ nét bản sắc văn hóa mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an. Được tổ chức 2 năm một lần (năm chẵn Dương lịch) vào trung tuần tháng 7 âm lịch với nhiều hoạt động lễ, hội phong phú. Nghi thức quan trọng nhất là “Nghinh Ông xuất du” với hàng trăm người tham gia diễu hành trên các đường phố chính của thành phố. Đặc biệt là phần biểu diễn rồng xanh (Thanh Long) dài nhất Việt Nam, thu hút rất đông nhân dân địa phương và du khách khắp nơi đến thưởng lãm. Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh 2016 sẽ diễn ra từ ngày 26 – 28/8/2016.

(Lễ hội Trung thu Phan Thiết; Ảnh: Nguyên Vũ)
Lễ hội Trung thu
Lễ hội Trung thu được tổ chức hàng năm vào đêm 14 (hoặc 15) tháng 8 Âm lịch. Đây là lễ hội rất độc đáo vào dịp Tết Trung thu với ha2ngn gàn học sinh Tiểu học và trung học cơ sở tham gia. Giữa không gian thơ mộng của đêm trăng tròn tháng tám, hàng ngàn lồng đèn lớn, nhỏ đủ hình dạng, sắc màu lung linh ánh sáng rực rỡ diễu hành trên các đường phố trung tâm Phan Thiết. Lễ hội Trung thu không chỉ là ngày hội của tuổi thơ mà đã trở thành ngày hội của toàn xã hội. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã chính thức công nhận đây là lễ hội Trung thu lớn nhất Việt Nam, thu hút đông đảo du khách và nhân dân địa phương đến xem.

(Lễ hội Katê; Ảnh: Nguyên Vũ)
Lễ hội Katê
Theo truyền thống của dân tộc Chăm, Lễ hội Katê được tổ chức đúng ngày 01 tháng 7 Chăm lịch (khoảng tháng 10 dương lịch), diễn ra trên một không gian rộng lớn, lần lượt từ đền, tháp đến làng rồi đến gia đình tạo thành một dòng chảy lễ hội liên tục, đa dạng và đặc sắc. Điểm nhấn của lễ hội là nghi thức rước hương án và lễ phục Nữ thần Pô Sah Inư đến khuôn viên tháp Pô Sah Inư Phan Thiết. Đại lễ chính thức diễn ra vào sáng ngày hôm sau bao gồm các nghi thức múa chào mừng, lễ mở cửa tháp, tắm tượng, mặc y phục, cuối cùng là đọc kinh cầu nguyện xin thần về hưởng lễ và phù hộ cho dân làng. Ngoài phần lễ diễn ra trong không khí linh thiêng thành kính thì phần hội vô cùng sôi động với các cuộc thi, trò chơi dân gian truyền thống thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

(Lễ hội Dinh Thầy Thím; Ảnh: Nguyên Vũ)
Lễ hội Dinh Thầy Thím
Ngoài Phan Thiết, Bình Thuận còn có 1 lễ hội truyền thống diễn ra tại thị xã La Gi, đó là Lễ hội Dinh Thầy Thím. Sự tích Thầy Thím là một truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ có giá trị giáo dục, đề cao tính nhân nghĩa, đạo đức, nhân cách cao cả của Thầy, Thím. Lễ hội được tổ chức đúng dịp lễ tế Thu, từ ngày 14 đến 16 tháng 9 Âm lịch di tích Dinh Thầy Thím (xã Tân Tiến, thị xã La Gi). Lễ hội có các nghi thức trang trọng như lễ dâng hương tri ân công đức, cúng ngọ, phát lộc, phóng sanh và nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật dân gian như chèo bả trạo, tuồng cổ, hò vè. Ngoài ra cón có rất nhiều gian hàng ẩm thực, thời trang, vật dụng, đồ lưu niệm được bày bán xung quanh khu vực dinh để phục vụ khách thập phương trong suốt mùa lễ hội. Lễ hội Dinh Thầy Thím là một trong những lễ hội lớn và là tài sản vô giá của làng Tam Tân, thị xã La Gi. Thanh Tuyền