VN EN
Hotline: (0252) 3810 801 - (0252) 3608 222
Tài nguyên du lịch tự nhiên
Ngày đăng: 17/08/2021 1261 lượt xem
a. Tài nguyên biển :
- Bãi biển Đồi dương Tiến Thành; Đồi Dương Thương Chánh: là bãi biển đẹp, nước biển trong xanh, bãi cát trắng mịn, thoải dần ra biển, là điểm du lịch đẹp thu hút nhiều khách tham quan. Hiện nay tại khu vực này đã xây dựng nhiều khu nghỉ dưỡng thu hút khá đông du khách. 
- Bãi biển Mũi Né - Hòn Rơm: là bãi tắm đẹp, là điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước với các sản phẩm du lịch phong phú như: tắm biển, nghỉ dưỡng biển, du thuyền, cắm trại dã ngoại, câu cá, trượt cát, ca nô, tham quan Suối Hồng, Suối Tiên, thưởng thức các món ăn hải sản tươi ngon,…
- Khu vực Long Sơn - Suối Nước: vừa có núi, đồi, động cát và bãi biển, với quỹ đất phát triển du lịch lớn, dự kiến sẽ hình thành khu đô thị du lịch đặc trưng mang tầm cỡ quốc tế.
- Bãi biển Đồi Dương (phường Bình Tân) – Cam Bình (La Gi): điểm du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn vì cảnh quan sinh thái của một rừng dương xanh phủ tràn ngập bóng mát và một bãi cát trắng lóng lánh đầy nắng vàng.
- Bãi biển Hòn Lan – Kê Gà – Thuận Quý, Bình Thạnh – Chí Công – Vĩnh Tân: cảnh quan đẹp hoang sơ, hiện nay đang là điểm đến mới mẻ, hấp dẫn trên tuyến du lịch ven biển của tỉnh Bình Thuận. Đặc biệt khu vực bờ biển Vĩnh Tân có nhiều rạn san hô rực rỡ, thuận lợi cho phát triển du lịch lặn biển, khám phá đại dương. 
- Bãi biển Cổ Thạch: nằm gần chùa Cổ Thạch với những bãi đá bảy màu tuyệt đẹp, nước biển trong xanh, là cảnh quan độc đáo của tỉnh, được đưa vào sách “Những kỷ lục của Việt Nam”. 
- Gành Son: thuộc xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Những vỉa đất đỏ, dung nham bờ biển bị bào mòn tạo thành những hang động và hình thù lạ mắt. 
 
b. Tài nguyên đảo:
- Đảo Phú Quý : nằm cách TP. Phan Thiết khoảng 120km, là một quần đảo bao gồm 10 hòn đảo lớn nhỏ như : hòn Tranh, hòn Đen, hòn Trứng, hòn Đỏ, hòn Giữa, hòn Hải, hòn Đồ Lớn, hòn Đồ Nhỏ, …Là điểm tham quan đầy ấn tượng, du khách đến đây có thể tắm biển, câu cá, lặn biển, thăm các di tích trên đảo, các làng chài truyền thống. 
- Cù Lao Câu (Tuy Phong) : Cách bờ khoảng 9 km, với chiều dài trên 1.500 m, nơi rộng nhất gần 700m, nơi cao nhất 7m, Cù Lao Câu được bao bọc bởi hàng vạn khối đá với màu sắc và hình thù khác nhau, là điểm du lịch lý tưởng với loại hình sinh thái, lặn biển, câu cá, thể thao và nghiên cứu. Đây cũng là nơi người dân địa phương thường tổ chức lễ hội thờ cúng thần linh, trong đó có hội hát chèo Bả Trạo để tế thần Nam Hải (Cá voi), được tổ chức vào dịp Rằm và vào ngày 16 tháng 4 âm lịch hàng năm. Vừa qua, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó tỉnh Bình Thuận có Cù Lao Câu và Phú Quý được thành lập và đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2010 – 2015. 
- Hòn Bà (La Gi) : là hòn đảo nhô cao lên giữa biển, cách thành phố Phan Thiết 70 km về phía Đông Nam. Vào nửa đầu thế kỷ XVII, người Chăm đã dựng một ngôi đền để thờ nữ thần Ana - vị thần thiêng liêng của vương quốc Chăm Pa, để mong được bà phù hộ, cứu giúp những người đi biển gặp nạn. Hàng năm, vào ngày 23 tháng 3 âm lịch, trên đảo tổ chức ngày giỗ nữ thần Ana, còn gọi là "ngày vía Bà". Vào những ngày này, dân chúng khắp nơi ra đảo rất đông để làm lễ, cầu nguyện.
 
c. Tài nguyên rừng :
Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú: 
Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú thuộc huyện Hàm Thuận Nam, là núi thấp ven biển diện 8293 ha (trong đó rừng đặc dụng 7248 ha, rừng sản xuất 1045 ha) nhưng rất đa dạng về các loài động thực vật, có vai trò quan trọng mang tầm ảnh hưởng quốc gia và quốc tế. Tháng 4-2008, Ủy ban IUCN quốc gia Hà Lan quyết định tài trợ “Nâng cao năng lực bảo tồn và nhận thức về đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú”. Theo phân loại của các tổ chức quốc tế, nơi đây thuộc điểm nóng đa dạng sinh học Miến Điện-Đông Dương. 
Khu BTTN Tà Cú có khoảng 144 loài cây đại mộc cho gỗ quý, 38 loài cây làm cảnh, 34 loài cây có thể ăn được. Đặc biệt có 5 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam như Afzelia xylocarpa, Irvingia malayana… Ưu thế nhất của Tà Cú là cây thuốc. Hệ động vật gồm ít nhất 30 loài thú, 100 loài chim, 54 loài lưỡng cư và bò sát, 174 loài côn trùng, loài thằn lằn đá Cyrtodactylus takouensis sp.nov.- được coi là đặc hữu phía Nam Việt Nam và mới chỉ tìm thấy ở núi Tà Cú. 
Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông:
Khu BTTN Núi Ông, nằm ở huyện Đức Linh – Tánh Linh, với diện tích 23.817 ha (trong đó địa giới hành chính huyện Hàm Thuận Nam là 9.519 ha, huyện Tánh Linh 14.298 ha) có 91% đất rừng, các kiểu rừng chính tại khu bảo tồn gồm rừng thường xanh, rừng rụng lá và nửa rụng lá. Tổng số có 332 loài thực vật bậc cao, trong đó có một số loài đang bị đe dọa trên toàn cầu như Gõ đỏ Afzelia xylocarpa, Trắc Bà Rịa Dalbergia bariensis. Về khu hệ động vật của Núi Ông, theo dự án đầu tư có 52 loài thú, 96 loài chim, 21 loài bò sát, 7 loài ếch nhái và 22 loài cá đã được ghi nhận. Trong đó có nhiều loài bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu như Voọc vá chân đen Pygathrix nemaeus nigripes và Vượn đen má hung Hylobates gabriellae (Anon. 1992). 
 
d. Tài nguyên cảnh quan : 
Hồ :       
- Hồ Biển Lạc: là hồ nước lớn nằm trong khu rừng của xã Gia An (Tánh Linh). Về mùa mưa tràn nước, diện tích mặt hồ rộng gấp 3 lần  (3.000ha). Hồ có một lượng cá rất dồi dào và nhiều loại chim quý hiếm sinh sống ở các khu rừng nguyên sinh xung quanh hồ. Hồ Biển Lạc là một điểm du lịch sinh thái dã ngoại, du ngoạn trên hồ rất lý thú. 
- Hồ Hàm Thuận: diện tích mặt hồ là 2500 ha, dung tích 700 triệu m3, nằm ở độ cao 605m, khí hậu quanh năm mát mẻ, có khu rừng phòng hộ trên 30.000 ha xung quanh hồ, có quốc lộ 55 đi qua, thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng ven hồ, du lịch sinh thái, thể thao nước, du ngoạn bằng máy bay trực thăng, …  
- Hồ Đa My: diện tích mặt hồ là 625 ha, dung tích 147 triệu m3, nằm ở độ cao 325m, cảnh quan đẹp, mực nước ổn định ( 2m), có thể phát triển các môn thể thao nước, chèo thuyền, nghỉ dưỡng ven hồ, … 
- Hồ Sông Quao: dung tích 80 triệu m3, nằm ở xã Hàm Trí, Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc), ở giữa khu rừng có cảnh quan rất đẹp, là một điểm du lịch hấp dẫn của huyện và tỉnh. Hiện nay tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu du lịch sinh thái hồ Sông Quao (giai đoạn 1) tạo thuận lợi cho đầu tư và phát triển du lịch tại khu vực này. 
- Hồ Trà Tân : ở xã Tân Hà (Đức Linh) rộng 240 ha, dung tích hồ khoảng 3,4 triệu m3, xung quanh có những vườn cây ăn trái xanh mát. Hồ Trà Tân có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. 
- Hồ Núi Đất : dung tích 9 triệu m3 thuộc xã Tân Tiến, TX. La Gi, cảnh quan đẹp, thanh bình, là điểm du lịch sinh thái khá lý tưởng. Hiện nay đang quy hoạch thành khu du lịch cộng đồng Dinh Thầy Thím – Ngãnh Tam Tân. 
- Bàu Trắng: là một thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh, thuộc thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng (Bắc Bình). Là một hồ nước ngọt hình thành từ lâu đời, nằm giữa vùng đồi cát rộng, trong hồ có nhiều hoa sen tạo thành cảnh quan đẹp. 
Thác : 
- Thác Mưa Bay, thác Trượt, thác Đầu Trâu ở Tánh Linh : Thác Mưa Bay (Sương Mù) là một trong những thác đẹp, lớn nhất ở Tánh Linh nhưng còn khá hoang sơ. Độ cao thác khoảng 70-80m, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, khám phá, tìm cảm giác mạnh. Thấp hơn thác Mưa Bay là thác Trượt, hiện nay thu hút rất đông khách tham quan. Thác Trượt thấp nhưng dài khoảng 30m, tương đối bằng phẳng. Khung cảnh xung quanh rất đẹp, có bãi đá nhiều màu rộng gần 1 ha với nhiều dòng thác thấp chảy nên nhiều người có thể cùng trượt thác. Thác Đầu Trâu nằm ở bên phải thác Trượt, gồm 2 dòng thác tựa như 2 sừng trâu trắng xóa. Có độ cao hơn 30m, có 1 hồ nước dưới chân thác rộng hơn 100m2. 
- Thác Ba Tầng (Đa Tro) : nằm cách quốc lộ 55 khoảng 500m. Thác cao 18 - 20m, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, cắm trại dã ngoại. 
- Thác Chín Tầng : nằm cách quốc lộ 55 khoảng 5km, gồm 9 bậc, cao tổng cộng 50 - 60m, dài gần 100m, cảnh quan rất đẹp. 
- Thác Tà Zun : là một cụm nhiều suối, thác nhỏ liên hoàn, xung quanh có nhiều khu rừng cảnh quan đẹp.  
- Thác Đa Mi : Nằm ở xã La Ngâu, huyện Tánh Linh, có nhiều thác cao thấp khác nhau. Thác Đa Mi là một thắng cảnh đẹp nổi tiếng. 
- Thác Bà : nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, là thắng cảnh nổi tiếng của Tánh Linh, bao gồm 9 tầng thác, mỗi thác có độ cao từ 10 – 20m. Du khách chỉ có thể tham quan 3 tầng thác do địa hình khá hiểm trở. 
- Thác K’reo : nằm ở xã Đức Tín, huyện Đức Linh, cảnh quan rất đẹp và hùng vĩ. 
- Thác Mai : nhỏ hơn thác K’reo, thuộc xã Đức Hạnh, huyện Đức Linh. Nằm giữa khu rừng mai bạt ngàn, cảnh quan rất đẹp, thơ mộng, là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. 
Đồi cát : 
- Đồi cát bay Mũi Né: là đồi cát thay đổi hình dạng tự nhiên nhiều nhất Việt Nam, một thắng cảnh nổi tiếng, là biểu tượng và hình ảnh đẹp của tỉnh Bình Thuận.   
- Đồi cát Hòa Thắng : khu đồi cát di động có chiều dài khoảng 2km, dọc theo bờ biển từ Hòn Rơm đến ranh xã Hòa Thắng với cảnh quan đẹp kỳ thú, thu hút rất đông khách tham quan, vào những dịp lễ tết lượng khách tăng đột biến khoảng 1000 khách. Nét đặc biệt của đồi cát Hòa Thắng là các đụn cát luôn thay đổi hình dạng theo hướng gió Đông Nam, ở giữa có 2 bàu lớn quanh năm đầy nước. 
- Đồi Hồng: nằm gần cồn cát Mũi Né, là những đồi cát đỏ trong quá trình bị xói mòn tạo ra những hình thù kỳ thú. 
 
e. Tài nguyên khoáng sản : 
- Suối khoáng nóng Vĩnh Hảo: thuộc huyện Tuy Phong, được phát hiện từ thế kỷ XIV, chất lượng tương đương với nước khoáng Vichy nổi tiếng thế giới của Pháp. Hiện nay đã khai thác, sản xuất đóng chai nước khoáng Vĩnh Hảo và xây dựng Trung tâm tắm khoáng – tắm bùn Vĩnh Hảo phục vụ du lịch. 
- Suối khoáng nóng Bưng Thị: nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, giáp ranh giới 3 xã Tân Thành, Thuận Quý và Tân Thuận có nhiệt độ đến 76oC. Khu vực suối khoáng nóng Bưng Thị gắn kết với khu BTTN Tà Cú sẽ là khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, điều dưỡng chữa bệnh suối khoáng nóng, du lịch sinh thái rừng, vui chơi giải trí hấp dẫn của tỉnh và vùng Nam Trung Bộ. 
- Suối khoáng nóng Phong Điền (Tân Thuận): nằm ở xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam), là nước khoáng Silie, Silic-flour rất nóng, có những thành phần hóa chất như độ khoáng cao, sắt - nhôm thấp, thích hợp cho việc ngâm tắm chữa bệnh.
- Suối khoáng nóng Đa Kai: Nằm ở xã Đa Kai (Đức Linh) có nhiệt độ 50oC, là mỏ nước khoáng cực kỳ quý hiếm với thành phần chính là vi lượng rất tốt cho sức khỏe. Đây cũng là mỏ nước khoáng duy nhất của Việt Nam có thành phần iốt thiên nhiên. Trữ lượng dự báo ở cấp C1 khoảng 60,5 m3/ngày có thể khai thác công nghiệp và phát triển du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh. Hiện nay đã xây dựng công ty CP nước khoáng Đa Kai sản lượng đạt trên 3 triệu lít/năm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
 
17/08/2021
2243 lượt xem
a. Các di tích lịch sử cấp quốc gia: có 24 di tích. - Quần thể tháp Chăm Pô Sah Inư: nằm trên đồi Bà Nài thuộc xã Phú Hải, là một trong những di tích văn hóa quý giá còn sót lại của vương quốc Chăm Pa được xây dựng cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX thờ thần Shiva và công chúa Pô Sah Inư. Hàng năm đông đảo người Chăm từ các vùng lân cận đến đây cầu nguyện. - Trường Dục Thanh: được xây dựng năm 1907, năm 1910 trên đường đi tìm đường cứu nước, thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã dừng chân dạy học tại đây. Di tích Dục Thanh đã được Bộ Văn hoá thông tin xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1986. Trong khu di tích trường Dục Thanh có bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Bình Thuận.
17/08/2021
1071 lượt xem
1. Thuận lợi phát triển du lịch Bình Thuận Bình Thuận có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển, là cầu nối giữa các vùng kinh tế như Đông Nam Bộ - Tây nguyên - Nam Trung Bộ, nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
03/03/2016
2221 lượt xem
Đường dẫn tải file biểu tượng Logo Du lịch: /userfiles/files/LOGO DLBT.pdf Đường dẫn file quy định kích thước Logo: /userfiles/files/Quy cách Logo.pdf Đường dẫn file quy định mẫu sản phẩm sử dụng: I. Chuẩn hóa Logo:
03/03/2016
3002 lượt xem
Căn cứ vào Quyết định số 426/QĐ-SVHTTDL ngày 12/10/2015 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công nhận kết quả biểu tượng (logo) du lịch Bình Thuận.

Video - Clips

Liên kết Website